Vắcxin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện nay, dịch sởi tại nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nước. Tại Việt Nam, mấy tháng gần đây, dịch sởi cũng đang có chiều hướng gia tăng bất thường ở nhiều địa phương.
Bệnh sởi rất dễ lây, tuy nhiên có một biện pháp phòng bệnh hiệu quả đó là tiêm vắc xin cho trẻ. Đặc biệt, vắcxin sởi-rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất bắt đầu được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Vắcxin sởi-rubella (MRVAC) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế sản xuất.
Vắcxin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng hiệu quả ra sao? Để hiểu rõ hơn về bệnh sởi, cách phòng tránh và việc tiêm vắcxin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất hiệu quả ra sao Báo VietnamPlus phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Sử dụng vắcxin sởi do Việt Nam sản xuất: Sự lựa chọn an toàn?”
Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm có:
Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).
Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm – Trưởng Khoa Truyễn nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương).
Mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho các khách mời về địa chỉ: [email protected]
2018-09-21T12:02:05+07:00
Bạn đọc: Xin bác sỹ cho biết, bệnh sởi có thể ảnh hưởng hay gây nguy hiểm cho sức khỏe trong những trường hợp như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Bệnh sởi có nhiều biến chứng như: Viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác.
2018-09-21T12:01:00+07:00
Bạn đọc: Tôi xin hỏi bác sỹ, tôi đã mắc sởi 1 lần rồi thì có thể mắc lại bệnh sởi nữa không?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Sởi là bệnh có miễn dịch bền vững nên khi đã mắc sởi thì thường không bị mắc lại.
2018-09-21T12:00:00+07:00
Bạn đọc: Qua báo chí tôi được biết, hàng năm dịch sởi chủ yếu bùng phát mạnh vào mùa đông-xuân nhưng năm nay lại xuất hiện nhiều trường hợp mắc sởi như tại Hà Nội và một số tỉnh. Như vậy, dịch sởi hiện nay có gì bất thường không?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Sởi thường bùng phát mạnh vào mùa Xuân tuy nhiên năm nay sởi vẫn xuất hiện từ đầu năm và chủ yếu ở các trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác với bệnh sởi và phải tiêm chủng đầy đủ để chủ động bảo vệ trẻ không mắc sởi.
2018-09-21T11:54:19+07:00
Bạn đọc: Tôi được biết vắcxin phòng bệnh sởi có cả trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng dịch vụ. Hai loại vắcxin phòng bệnh sởi này có gì khác nhau?
Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Vắcxin sởi sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm vắcxin sởi đơn và vắcxin phối hợp sởi-rubella. Ngoài ra, trên thị trường còn có các vắcxin phối hợp hai trong một sởi-rubella và vắcxin phối hợp ba trong một sởi-quai bị-rubella. Thành phần vắcxin sởi và rubella trong vắcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ là tương đương nhau.
Do vậy, những trẻ đã tiêm vắcxin hai trong một sởi-rubella hoặc vắcxin ba trong một sởi-quai bị-rubella tại các cơ sở dịch vụ vẫn có thể tiêm nhắc mũi tiếp theo với vắcxin sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà không cần tiêm lại từ đầu. Tương tự, những trẻ đã tiêm vắcxin sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có thể tiêm nhắc mũi tiếp theo với vắcxin sởi-rubella tại các cơ sở dịch vụ.
2018-09-21T11:52:18+07:00
Bạn đọc: Hiện nay với tỷ lệ bao phủ mũi vắcxin sởi khoảng 93-95%, tích lũy 4 năm con số chưa tiêm phòng vắc xin này không hề nhỏ. Vậy số % chưa tiêm phòng còn lại chúng ta đã có những giải pháp nào để khắc phục miễn dịch cho các đối tượng chưa được tiêm chủng?
Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vacxin sởi trên toàn quốc hiện đạt tỷ lệ cao song vẫn còn một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng dưới 90%. Sự tích lũy các cá thể chưa có miễn dịch phòng bệnh do chưa được tiêm chủng qua các năm sẽ là yếu tố thuận lợi để dịch sởi xảy ra. Tiêm vắcxin sởi lúc 9 tháng tuổi sẽ giúp cho khoảng 85% số trẻ tiêm vắcxin được phòng bệnh. Với tỷ lệ tiêm chủng hàng năm khoảng 90% sẽ có 80% trẻ em sinh ra hàng năm được phòng bệnh. Như vậy, nếu không tiêm mũi hai vắcxin sởi-rubella lúc 18 tháng tuổi thì vẫn còn 20% trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi.
Trong thời gian tới, chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng cường triển khai tiêm chủng vắcxin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung cho trẻ em chưa được tiêm chủng vacxin sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi để giảm thiểu số trẻ nguy cơ mắc bệnh.
Các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng hai mũi vacxin sởi.
-Mũi một lúc 9 tháng tuổi.
-Mũi hai lúc 18 tháng tuổi
Và đưa trẻ đi tiêm chủng trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.
2018-09-21T11:50:18+07:00
Bạn đọc: hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm chung là đều ở lứa tuổi dưới 9 tháng tuổi và chưa được tiêm phòng sởi. Đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng đánh giá ra sao về vấn đề này?
Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Trong các năm gần đây, tỷ lệ mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi gia tăng, tại nhiều địa phương, đặc biệt trong thời gian xuất hiện ổ dịch. Tình trạng này có thể giải thích là do trẻ lớn đã được tiêm chủng và phòng bệnh nên số ca mắc giảm đi.
Trong khi đó, trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch tồn lưu do mẹ truyền cho nhưng ở mức rất thấp hoặc không còn kháng thể. Do vậy, nhóm trẻ này rất dễ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn lây từ những người xung quanh như cha mẹ, anh chị em. Do vậy, cha mẹ cần rửa tay, vệ sinh trước khi chăm sóc cho trẻ. Những người tiếp xúc gần với trẻ trong gia đình cần được tiêm chủng vắcxin sởi đơn hoặc phối hợp. Đặc biệt, anh chị em trong độ tuổi đi học cần được tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi để phòng bệnh cho chính mình và trẻ nhỏ dưới 9 tháng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét các biện pháp tiêm chủng để chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi tại những vùng nguy cơ cao.
2018-09-21T11:38:00+07:00
Bạn đọc: Với việc sử dụng vắcxin phòng sởi do Việt Nam sản xuất an toàn, chúng ta chủ động được nguồn cung ứng vắcxin như thế nào và hiệu quả của vắcxin này so với nhiều nước khác mà Việt Nam vẫn và đang dùng trước đây?
Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Trong nhiều năm qua, những thành quả đạt được của Chương trình tiêm chủng mở rộng như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… có phần đóng góp không nhỏ của chủ trương tự chủ nguồn vắc xin trong nước mà Bộ Y tế đã đề ra.
Hiện nay đã có 10 trong số 11 loại vắcxin sử dụng trong chương trình tiêm chủng do các đơn vị sản xuất trong nước cung cấp. Đây là lợi thế của Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới bởi có tự chủ được nguồn cung ứng vắcxin thì Chương trình tiêm chủng mở rộng mới có thể triển khai kịp thời các biện pháp, các hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung định kỳ, đột xuất cho hàng triệu lượt trẻ em mỗi năm.
Vắcxin sởi đơn và vắcxin phối hợp sởi-rubela đều được sản xuất tại Việt Nam. Trong tình hình bệnh sởi gia tăng và cần có những biện pháp tiêm chủng bổ sung, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đề xuất Bộ Y tế cho phép triển khai hoạt động này tại các vùng nguy cơ cao sử dụng nguồn vắc xin sản xuất trong nước.
Việt Nam đã đề xuất Tổ chức Y tế thế giới xem xét, đánh giá vắcxin sởi đơn đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định. Dự kiến, sau khi được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép, Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất, xem xét, đánh giá đối với vắcxin phối hợp sởi-rubela.
Vắcxin sởi-rubela do Việt Nam là sản phẩm chuyển giao công nghệ do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Vắcxin này có hiệu quả phòng bệnh tương đương với vắcxin sởi-rubela nhập khẩu đã sử dụng trong các năm trước đây.
Vắcxin sởi-rubela cùng loại, trên cùng quy trình sản xuất tại Nhật Bản đã được cung ứng và sử dụng tại nhiều quốc gia.
2018-09-21T11:36:00+07:00
Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)