Tin tức DÂN SỐ

Mất cân bằng giới tính khi sinh được giải quyết khi thay đổi được gốc rễ nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới
[ Cập nhật vào ngày (10/03/2022) ]


Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới hiện vẫn diễn ra từ gia đình, xã hội. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc coi việc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là một trong những dạng bạo lực giới rất nghiêm trọng. Thực tế vẫn còn rất nhiều cặp đôi tìm đủ mọi cách sinh được con trai và tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi còn phức tạp. Trong những gần đây huyện Tân Thạnh đã có những chương trình, dự án, hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân cũng như việc cấm và sẽ xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thông báo giới tính của thai nhi trong quá trình khám thai nhưng xu hướng vẫn gia tăng.

Thể theo báo cáo thực trạng dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong 3 quốc gia đang có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất Châu Á. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời do việc lựa chọn giới tính thai nhi. Có những nơi tỷ số giới tính khi sinh rất cao, lên đến trên 120 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt là của huyện Tân Thạnh, trong những gần đây tỷ số giới tính khi còn ở mức rất cao, cụ thể năm 2019: 113 bé trai/100 bé gái,  năm 2020: 117 bé trai/100 bé gái, năm 2021: 117 bé trai/100 bé gái.

Bất bình đẳng giới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhiều gia đình vẫn còn nghĩ: "Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường"; "Phải có con trai mới là người thành đạt"; "Con gái là con người ta", một số hộ gia đình có hai con một bề là nữ và có điều kiện kinh tế khá giàu muốn sinh thêm con,... từ đó thôi thúc việc cố đẻ bằng được con trai. Cùng với đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống như bố mẹ già phải sống với con trai. Nhiều người già vẫn còn phải sống phụ thuộc con, nhất là con trai. Hơn nữa, chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi cũng còn nan giải. Cơ quan chức năng khó có thể kiểm tra, xử phạt khi có rất nhiều cách "lách luật" để các cá nhân, cơ sở này thông báo cho người dân về giới tính thai nhi.

Hệ lụy của sự chênh lệch giới tính khi sinh sẽ có những tác động không tốt đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gây ra tình trạng "thừa nam, thiếu nữ". Chính điều này khiến câu chuyện về vài triệu đàn ông không có khả năng tìm bạn đời, rồi câu chuyện về bạo lực tình dục, mại dâm sẽ trở nên ngày càng khó đối phó hơn khi mà xã hội thừa một lượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ. Dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Những sự việc phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc, bán ra nước ngoài (Trung Quốc) là cảnh báo về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra xuất phát từ việc không có con trai. Rồi những người vợ phải chịu muôn vàn áp lực từ phía chồng, gia đình nhà chồng. Người vợ phải mang thai rồi phá thai hết lần này đến lần khác cho đến khi nào đẻ được con trai thì thôi. Tất cả những điều đó dẫn tới người phụ nữ bị ảnh hưởng cả về thể chất, tinh thần, tình cảm,… sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ ấy gây cản trở tới việc nâng cao chất lượng dân số. Công cuộc thay đổi là một thách thức lớn không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Thế nhưng, từ việc truyền thông, các tổ chức xã hội cho đến các cơ quan chức năng khi tuyên truyền, bàn luận về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, cần đề cập sâu hơn về những hệ lụy mà người phụ nữ phải gánh chịu ở thực tại cũng như ở tương lai. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu quan điểm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phấn đấu đến năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từng gia đình và toàn xã hội. Việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, thay đổi nhận thức của người dân, làm cho họ hiểu con gái cũng có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường,… rất cần thiết. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai, thậm chí còn hơn đẻ con trai.




Lê Văn Dân




Tìm kiếm

Thông báo

TIN MỚI


SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO